WIPO Arbitration and Mediation Center

QUYẾT ĐỊNH CỦA BAN TRỌNG TÀI HÀNH CHÍNH

Wacom Co., Ltd và Ông Trương Tiến Đạt

Vụ việc số: D2016-0035

1. Các Bên

Bên Khiếu Nại là Wacom Co Ltd., trụ sở tại Saitama, Nhật Bản, đại diện bởi Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN, Việt Nam.

Bên Bị Khiếu Nại là Ông Trương Tiến Đạt, có địa chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, nhân danh chính mình.

2. Tên Miền và Nhà Đăng Ký

Tên miền tranh chấp <wacomvietnam.com> (“Tên Miền Tranh Chấp”) được đăng ký với Công ty TNHH Phần Mềm Nhân Hòa (“Nhà Đăng Ký”).

3. Trình tự thủ tục vụ việc

Bên Khiếu Nại đã nộp đơn tới Trung Tâm Trọng Tài và Hòa Giải của WIPO (“Trung Tâm”) vào ngày 08 tháng 01 năm 2016. Ngày 08 tháng 01 năm 2016, Trung Tâm đã gửi thư điện tử tới Nhà Đăng Ký yêu cầu xác minh đăng ký liên quan tới Tên Miền Tranh Chấp. Ngày 09 tháng 01 năm 2016, Nhà Đăng Ký đã gửi thư điện tử trả lời Trung Tâm và xác nhận rằng bên Bị Khiếu Nại chính là người đăng ký và cung cấp thông tin liên hệ chi tiết.

Trung Tâm xác nhận rằng Đơn Khiếu Nại đáp ứng các yêu cầu về hình thức của Chính Sách Thống Nhất Giải Quyết Tranh Chấp Tên Miền (gọi là “Chính Sách” hoặc “UDRP”), các Quy tắc về Chính Sách Thống Nhất Giải Quyết Tranh Chấp Tên Miền (gọi là “Quy Tắc”) và Các Quy Tắc Bổ Sung Của WIPO đối với Chính Sách Thống Nhất Giải Quyết Tranh Chấp Tên Miền (gọi là “Quy Tắc Bổ Sung”).

Căn cứ vào đoạn 2 và 4 của Quy Tắc, Trung Tâm chính thức thông báo tới Bên Bị Khiếu Nại về Đơn Khiếu Nại và bắt đầu các thủ tục tố tụng vào ngày 15 tháng 01 năm 2016. Căn cứ vào đoạn 5 của Quy Tắc, hạn cuối nộp Phản Hồi là ngày 04 tháng 02 năm 2016. Phản Hồi được nộp cho Trung Tâm vào ngày 04 tháng 02 năm 2016.

Trung Tâm bổ nhiệm ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc là trọng tài viên duy nhất trong vụ việc này vào ngày 10 tháng 02 năm 2016. Ban Trọng Tài nhận thấy vụ việc đã được xác lập một cách hợp lệ. Ban Trọng Tài đã nộp Tuyên Bố Chấp Nhận và Tuyên Bố Về Việc Giải Quyết Vụ Việc Công Bằng và Độc Lập theo yêu cầu của Trung Tâm để đảm bảo tuân thủ đoạn 7 của Quy Tắc.

4. Bối Cảnh Thực Tế của Vụ Việc

Bên Khiếu Nại được thành lập vào năm 1983 tại Saitama, Nhật Bản, là một công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan đến các thiết bị đầu vào máy tính và máy tính bảng đồ họa, bao gồm, nhưng không giới hạn, bảng vẽ cảm ứng, bút máy tính bảng, bút vẽ cảm ứng stylus và các thiết bị ngoại vi khác, dùng cho mục đích cá nhân và thương mại trên khắp thế giới. Bên Khiếu Nại là chủ sở hữu của nhãn hiệu “WACOM” và các nhãn hiệu tương tự khác bao gồm yếu tố WACOM và/hoặc logo WACOM (“Các Nhãn Hiệu WACOM”) ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm nhưng không giới hạn ở Nhật Bản và Việt Nam.

Tại Nhật Bản, Bên Khiếu Nại sở hữu hang loạt đăng ký nhãn hiệu cho Các Nhãn Hiệu WACOM, bao gồm, nhưng không giới hạn, Đăng Ký Nhãn Hiệu số 3015883 ngày 12 tháng 12 năm 1994 cho nhãn hiệu WACOM; Đăng Ký Nhãn Hiệu số 3029983 ngày 31 tháng 03 năm 1995 cho nhãn hiệu WACOM; Đăng Ký Nhãn Hiệu số 4190917 ngày 25 tháng 09 năm 1998 cho nhãn hiệu WACOM; Đăng Ký Nhãn Hiệu số 4561546 ngày 19 tháng 04 năm 2002 cho nhãn hiệu WACOM; Đăng Ký Nhãn Hiệu số 4570377 ngày 24 tháng 05 năm 2002 cho nhãn hiệu WACOM; và Đăng Ký Nhãn Hiệu số 5526028 ngày 05 tháng 10 năm 2012 cho nhãn hiệu FEEL WACOM.

Tại Việt Nam, nơi Bên Bị Khiếu Nại cư trú, Bên Khiếu Nại cũng sở hữu các đăng ký nhãn hiệu cho Các Nhãn Hiệu WACOM, bao gồm Đăng Ký Nhãn Hiệu số 4-0122870-000 ngày 10 tháng 04 năm 2009 cho nhãn chữ WACOM thuộc các nhóm 09, 41 và 42; Đăng Ký Nhãn Hiệu Quốc Tế số 94933 ngày 25 tháng 10 năm 2007 cho logo WACOM thuộc các nhóm 09, 41 và 42 (chỉ định Việt Nam).

Bên Khiếu Nại cũng sở hữu, không kể các tên miền khác, tên miền <wacom.com>, và <wacom.co.jp>.

Tên Miền Tranh Chấp được đăng ký tại Nhà Đăng Ký vào ngày 14 tháng 12 năm 2013.

Như được nêu trong hồ sơ vụ việc, các luật sư của Bên Khiếu Nại đã gửi một Thư cảnh báo cho Bên Bị Khiếu Nại vào ngày 07 tháng 11 năm 2014, trong đó yêu cầu Bên Bị Khiếu Nại, không kể các nội dung khác, chấm dứt việc sử dụng các nhãn hiệu và hình ảnh được bảo hộ bản quyền của WACOM trên trang web và trang Facebook của Bên Bị Khiếu Nại, loại bỏ bất kỳ tuyên bố nào gây nhầm lẫn rằng Bên Bị Khiếu Nại là một nhà phân phối theo ủy quyền của Bên Khiếu Nại, và tự nguyện hủy bỏ đăng ký tên miền hoặc chuyển giao lại Tên Miền Tranh Chấp cho Bên Khiếu Nại. Tuy nhiên, Bên Bị Khiếu Nại chỉ chấm dứt việc sử dụng các nhãn hiệu của Bên Khiếu Nại và loại bỏ các tuyên bố về quan hệ phân phối trên trang web của Bên Bị Khiếu Nại.

5. Lập Luận Của Các Bên

A. Bên Khiếu Nại

Bên Khiếu Nại cho rằng cả ba tiêu chí nêu tại đoạn 4 của Chính Sách đều được đáp ứng trong vụ việc hiện tại, cụ thể như sau:

(i) Tên Miền Tranh Chấp tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá hoặc nhãn hiệu dịch vụ thuộc quyền sở hữu của Bên Khiếu Nại.

Bên Khiếu Nại khẳng định có quyền đối với Các Nhãn Hiệu WACOM, đã nổi tiếng cho các thiết bị đầu vào của máy tính, máy tính bảng đồ họa, bao gồm, trong số các sản phẩm khác, bút máy tính bảng, bảng vẽ cảm ứng, bút vẽ cảm ứng stylus và các thiết bị ngoại vi khác. Bên Khiếu Nại là chủ sở hữu của Các Nhãn Hiệu WACOM, cả dưới dạng chữ và dạng hình tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm, nhưng không giới hạn, Nhật Bản, Úc, Canada, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Việt Nam. Các đăng ký nhãn hiệu này đã được cấp một thời gian dài trước khi Bên Bị Khiếu Nại đăng ký Tên Miền Tranh Chấp vào ngày 14 tháng 12 năm 2013. Bên Khiếu Nại đã sử dụng liên tục và rộng rãi Các Nhãn Hiệu WACOM cho các sản phẩm điện tử và các dịch vụ liên quan kể từ khi được cấp quyền sở hữu đối với các nhãn hiệu này. Bên Khiếu Nại cũng đã vận hành một số website với các tên miền có chứa từ WACOM, ví dụ như <wacom.com> và <wacom.co.jp>.

Bên Khiếu Nại lập luận rằng Tên Miền Tranh Chấp, là sự kết hợp của “wacom”, “vietnam” và “.com” tương tự gây nhầm lẫn với Các Nhãn Hiệu WACOM của Bên Khiếu Nại. Cụ thể, Bên Khiếu Nại khẳng định rằng từ “wacom” là một từ có khả năng tự phân biệt và không có nghĩa trong cả tiếng Việt và tiếng Anh, là yếu tố nổi bật trong Tên Miền Tranh Chấp, cả về mặt hình thức lẫn cách thức phát âm. Ngoài ra, từ “vietnam” là tên của quốc gia nơi Bên Bị Khiếu Nại cư trú và việc thêm các từ thuần túy mang tính mô tả, hoặc là tên địa lý vào Tên Miền Tranh Chấp thường sẽ không đủ để tránh khả năng tương tự gây nhầm lẫn theo quy định của Chính Sách.

Bên Khiếu Nại cũng khẳng định rằng yếu tố “.com” của tên miền được sử dụng để chỉ ra loại và cấp mã của tên miền, sẽ không được xem xét tới khi đánh giá sự tương tự gây nhầm lẫn giữa Tên Miền Tranh Chấp và Các Nhãn Hiệu WACOM.

Như vậy, Bên Khiếu Nại cho rằng Tên Miền Tranh Chấp trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với Các Nhãn Hiệu WACOM mà Bên Khiếu Nại đang nắm giữ quyền.

(ii) Bên Bị Khiếu Nại không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp đối với Tên Miền Tranh Chấp.

Bên Khiếu Nại cho rằng Bên Bị Khiếu Nại không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp đối với Tên Miền Tranh Chấp thông qua các lập luận sau:

(A) Bên Khiếu Nại đã xác lập các quyền của mình trong và đối với Các Nhãn Hiệu WACOM từ rất lâu trước khi Bên Bị Khiếu Nại đăng ký Tên Miền Tranh Chấp. Cụ thể, Bên Khiếu Nại khẳng định Các Nhãn Hiệu WACOM đã được đăng ký và sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm cả Việt Nam một thời gian dài trước khi Bên Bị Khiếu Nại đăng ký Tên Miền Tranh Chấp vào ngày 14 tháng 12 năm 2013;

(B) Bên Bị Khiếu Nại không có mối liên hệ hoặc liên kết nào với Bên Khiếu Nại và không được nhận bất kỳ nhượng quyền thương mại, li-xăng (cấp phép) hoặc sự đồng thuận nào, một cách rõ ràng hoặc ngụ ý, từ Bên Khiếu Nại để sử dụng Các Nhãn Hiệu WACOM trong tên miền hoặc theo bất cứ phương thức sử dụng nào khác; và

(C) “WACOM” không phải là một thuật ngữ mang tính mô tả hay thuật ngữ chung. Bên Khiếu Nại cho rằng thuật ngữ “WACOM” vốn có khả năng tự phân biệt và không có ý nghĩa, ít nhất là trong tiếng Anh và tiếng Việt, hai loại ngôn ngữ chính thức và phổ biến nhất tại Việt Nam, nơi mà Bên Bị Khiếu Nại cư trú. Vì vậy, Bên Bị Khiếu Nại không thể sử dụng từ WACOM theo nghĩa mô tả được.

Bên Khiếu Nại cũng cho rằng Các Nhãn Hiệu WACOM được biết đến rộng rãi và được công nhận nổi tiếng trên toàn thế giới cho các sản phẩm điện tử (bút máy tính bảng, bảng vẽ cảm ứng, bút vẽ cảm ứng stylus)

Ngoài ra, Bên Khiếu Nại cũng khẳng định thêm rằng không có bằng chứng nào cho thấy Bên Bị Khiếu Nại đã được biết đến rộng rãi bởi Tên Miền Tranh Chấp, hoặc việc sử dụng tên miền một cách hợp lý hoặc hợp pháp không vì mục đích thương mại.

Như vậy, Bên Khiếu Nại cho rằng Bên Bị Khiếu Nại không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp trong Tên Miền Tranh Chấp.

(iii) Tên Miền Tranh Chấp được đăng ký và được sử dụng một cách không trung thực

Bên Khiếu Nại khẳng định rằng cách thức sử dụng Tên Miền Tranh Chấp đã chứng tỏ rằng Bên Bị Khiếu Nại đã đăng ký tên miền này một cách không trung thực, với mục đích gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng để thu lợi nhuận, thông qua việc thể hiện rằng họ có mối liên hệ với Bên Khiếu Nại, từ đó thu hút người sử dụng internet truy cập vào trang web của Bên Bị Khiếu Nại vì mục đích thương mại.

Bên Khiếu Nại trình bày rằng luật sư của Bên Khiếu Nại đã gửi một Thư cảnh báo tới Bên Bị Khiếu Nại vào ngày 07 tháng 11 năm 2014, trong đó yêu cầu Bên Bị Khiếu Nại, bên cạnh những yêu cầu khác, chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu và hình ảnh được bảo hộ bản quyền của WACOM trên trang web và trang Facebook của Bên Bị Khiếu Nại, loại bỏ bất kỳ tuyên bố nào gây nhầm lẫn rằng Bên Bị Khiếu Nại là một nhà phân phối theo ủy quyền của Wacom; tự nguyện hủy bỏ đăng ký tên miền hoặc chuyển giao tên miền <wacomvietnam.com> cho Bên Khiếu Nại. uy nhiên, Bên Bị Khiếu Nại chỉ chấm dứt việc sử dụng các nhãn hiệu và loại bỏ các tuyên bố về quan hệ phân phối của Bên Khiếu Nại khỏi trang web của họ.

Bên Khiếu Nại khẳng định rằng Tên Miền Tranh Chấp đã được Bên Bị Khiếu Nại đăng ký một cách không trung thực với lập luận rằng Các Nhãn Hiệu WACOM của Bên Khiếu Nại có danh tiếng và được biết đến thông qua việc sử dụng rộng rãi, và Bên Bị Khiếu Nại cũng kinh doanh các sản phẩm mang nhãn hiệu của WACOM trên trang web của họ <wacomvietnam.com>. Chỉ riêng điều này đã chứng tỏ rằng Bên Bị Khiếu Nại hoàn toàn nhận thức được sự tồn tại của Các Nhãn Hiệu WACOM vào thời điểm họ đăng ký Tên Miền Tranh Chấp. Do đó, Bên Khiếu Nại cho rằng Bên Bị Khiếu Nại đã không lựa chọn sử dụng Tên Miền Tranh Chấp một cách hợp pháp, không có mục đích nào khác ngoài mục đích tạo ấn tượng về một mối quan hệ nào đó với Bên Khiếu Nại.

Bên Khiếu Nại cũng khẳng định rằng Tên Miền Tranh Chấp được Bên Bị Khiếu Nại sử dụng một cách không trung thực bằng việc lập luận rằng việc đăng ký một tên miền gây tương tự nhầm lẫn với một nhãn hiệu nổi tiếng bởi các chủ thể không có bất kỳ mối quan hệ nào với chính nhãn hiệu đó, là đủ để chứng mình rằng việc sử dụng đó là không trung thực theo quy định của Chính Sách.

Bên Khiếu Nại cũng khẳng định rằng Bên Bị Khiếu Nại đã đăng ký Tên Miền Tranh Chấp gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu và tên thương mại của Bên Khiếu Nại, nhằm quảng bá và thương mại hóa các sản phẩm mang thương hiệu WACOM. Ngoài ra, Bên Khiếu Nại cũng cho rằng trên trang web mà Tên Miền Tranh Chấp trỏ tới, Bên Bị Khiếu Nại cũng đã sử dụng Các Nhãn Hiệu WACOM và hình ảnh thuộc bản quyền của Bên Khiếu Nại, và/hoặc được lấy từ trang web chính thức của Bên Khiếu Nại <wacom.com>. Do đó, Bên Khiếu Nại lập luận rằng Bên Bị Khiếu Nại, vào thời điểm đăng ký tên miền tranh chấp, đã có ý định thu lợi từ tên WACOM, chính là nhãn hiệu và cũng là tên thương mại của Bên Khiếu Nại, cũng như nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về sự liên kết hoặc mối liên hệ của Bên Bị Khiếu Nại với Bên Khiếu Nại để thu hút người sử dụng Internet tới trang web của Bên Bị Khiếu Nại vì mục đích thương mại, từ đó thu về các “lợi ích thương mại” cho Bên Bị Khiếu Nại.

Bên Khiếu Nại cũng khẳng định thêm rằng sự không trung thực của Bên Bị Khiếu Nại có thể được suy ra từ việc Bên Bị Khiếu Nại đã tự nhận trên trang web của Bên Bị Khiếu Nại rằng họ là một trong những nhà phân phối chuyên nghiệp của Bên Khiếu Nại tại Việt Nam, mặc dù điều này không đúng trên thực tế.

Vì vậy, Bên Khiếu Nại cho rằng Tên Miền Tranh Chấp đã được Bên Bị Khiếu Nại đăng ký và sử dụng không trung thực.

B. Bên Bị Khiếu Nại

Trong Phản Hồi được nộp cho Trung Tâm ngày 04 tháng 02 năm 2016 (“Phản Hồi”), Bên Bị Khiếu Nại lập luận như sau:

(i) Bên Bị Khiếu Nại có quyền và lợi ích hợp pháp đối với Tên Miền Tranh Chấp:

Thứ nhất, Bên Bị Khiếu Nại cho rằng Bên Bị Khiếu Nại đã xác lập quyền hợp pháp trong việc đăng ký và sử dụng Tên Miền Tranh Chấp phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, Bên Bị Khiếu Nại khẳng định rằng Bên Bị Khiếu Nại là người đầu tiên nộp hồ sơ đăng ký sở hữu Tên Miền Tranh Chấp, do đó việc đăng ký của Tên Miền Tranh Chấp đã được chấp thuận dựa trên nguyên tắc “người đăng ký trước được sở hữu”, nguyên tắc này đã được áp dụng ở Việt Nam cũng như ở phần lớn các quốc gia trên thế giới.

Thứ hai, Bên Bị Khiếu Nại khẳng định rằng việc đăng ký và sử dụng Tên Miền Tranh Chấp của Bên Bị Khiếu Nại là hoàn toàn hợp pháp vì các tên miền không chịu sự điều chỉnh của Luật Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam và việc đăng ký này đã được thực hiện trước khi Bên Bị Khiếu Nại nhận được bất kỳ thông báo về việc tranh chấp liên quan đến tên miền này.

Thứ ba, Bên Bị Khiếu Nại khẳng định rằng Bên Bị Khiếu Nại thực tế có kinh doanh các sản phẩm máy tính và điện tử bao gồm các sản phẩm mang nhãn hiệu WACOM được nhập khẩu hợp pháp và cho phép kinh doanh tại Việt Nam, từ năm 2012. Do đó, Bên Bị Khiếu Nại khẳng định việc Bên Bị Khiếu Nại đăng ký Tên Miền Tranh Chấp chỉ nhằm một mục đích duy nhất là để các khách hàng tại Việt Nam biết được về ngành nghề kinh doanh cũng như những sản phẩm mà Bên Bị Khiếu Nại đang kinh doanh. Bên Bị Khiếu Nại hoàn toàn không có ý định gây nhầm lẫn cho khách hàng cũng như làm ảnh hưởng xấu tới khả năng phân biệt của nhãn hiệu WACOM.

Thứ tư, Bên Bị Khiếu Nại cũng khẳng định rằng Bên Bị Khiếu Nại đã được biết đến một cách rộng rãi thông qua Tên Miền Tranh Chấp không chỉ riêng đối với các khách hàng tại Việt Nam mà cả những khách hàng ở các quốc gia lân cận (như Lào, Campuchia) trong nhiều năm trước khi xảy ra tranh chấp.

Vì vậy, Bên Bị Khiếu Nại khẳng định rằng Bên Bị Khiếu Nại có các quyền hợp pháp đối với Tên Miền Tranh Chấp kể từ thời điểm đăng ký.

(ii) Bên Bị Khiếu Nại không đăng ký Tên Miền Tranh Chấp một cách không trung thực:

Thứ nhất, Bên Bị Khiếu Nại khẳng định rằng Bên Bị Khiếu Nại không đăng ký Tên Miền Tranh Chấp với động cơ xấu, bởi vì mục đích đăng ký tên miền này chủ yếu để cung cấp thông tin chính xác cho khách hàng tại chuỗi các cửa hàng bán các sản phẩm của Bên Khiếu Nại được nhập khẩu hợp pháp, không phải nhằm bán lại, cho thuê, hoặc chuyển nhượng tên miền đăng ký này cho Bên Khiếu Nại hay bất cứ bên thứ ba nào khác.

Thứ hai, Bên Bị Khiếu Nại lập luận rằng Bên Bị Khiếu Nại và Bên Khiếu Nại không phải là đối thủ cạnh tranh và Bên Bị Khiếu Nại cũng không có ý định thu hút, người sử dụng internet vào trang web của Bên Bị Khiếu Nại vì lợi ích thương mại, bằng cách gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Bên Khiếu Nại.

Thứ ba, Bên Bị Khiếu Nại khẳng định rằng mục đích chủ yếu của việc đăng ký Tên Miền Tranh Chấp không nhằm làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của Bên Khiếu Nại. Mà ngược lại, trên một phương diện nào đó, việc đăng ký và sử dụng Tên Miền Tranh Chấp giúp gia tăng tiếng tăm, sự phổ biến, và mở rộng doanh số bán các sản phẩm của Bên Khiếu Nại tại Việt Nam.

Thứ tư, Bên Bị Khiếu Nại trình bày rằng việc Bên Bị Khiếu Nại sử dụng các logo, hình ảnh đã đăng ký bản quyền của các sản phẩm của WACOM chủ yếu nhằm chỉ ra rằng thực chất Bên Bị Khiếu Nại có bán các sản phẩm của Bên Khiếu Nại, không nhằm mục đích xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ của Bên Khiếu Nại. Do đó, khi nhận được Thư cảnh báo của Bên Khiếu Nại, Bên Bị Khiếu Nại đã gỡ bỏ những yếu tố xâm phạm ra khỏi trang web mà Tên Miền Tranh Chấp trỏ tới. Hơn nữa, Bên Bị Khiếu Nại cũng khẳng định rằng họ có đầy đủ lý do để khẳng định họ là nhà phân phối chuyên nghiệp của Bên Khiếu Nại tại Việt Nam vì Bên Bị Khiếu Nại thực tế chuyên bán các sản phẩm của Bên Khiếu Nại được nhập khẩu hợp pháp tại Việt Nam.

Thứ năm, Bên Khiếu Nại yêu cầu Ban trọng tài xem xét vụ việc tương tự của tên miền “www.buywacom.com” thuộc sở hữu của Rakuten Inc., theo đó Rakuten Inc., sở hữu “www.buywacom.com”, một trang web thương mại điện tử bán các sản phẩm của Bên Khiếu Nại mà không gặp phải bất cứ tranh chấp hoặc khiếu nại nào từ Bên Khiếu Nại liên quan đến Các Nhãn Hiệu WACOM.

Vì vậy, Bên Bị Khiếu Nại khẳng định rằng Bên Bị Khiếu Nại không đăng ký và sử dụng Tên Miền Tranh Chấp một cách không trung thực.

6. Thảo Luận Và Nhận Định

A. Ngôn Ngữ Sử Dụng Trong Thủ Tục Tố Tụng

Đơn Khiếu Nại được nộp bằng tiếng Việt vào ngày 08 tháng 01 năm 2016. Vào ngày 09 tháng 01 năm 2016, Nhà Đăng Ký thông báo rằng ngôn ngữ của Hợp Đồng Đăng Ký là tiếng Việt. Vào ngày 04 tháng 02 năm 2016, Bên Bị Khiếu Nại nộp Phản Hồi bằng tiếng Việt.

Theo quy định tại đoạn 11(a) của Quy Tắc, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, hoặc Hợp Đồng Đăng Ký có quy định cụ thể khác, ngôn ngữ sử dụng trong Thủ tục tố tụng sẽ là ngôn ngữ của Hợp Đồng Đăng Ký, mặc dù Ban Trọng Tài có quyền quyết định khác, sau khi cân nhắc tình tiết của thủ tục tố tụng hành chính.

Tương tự các phán quyết UDRP trước, Ban Trọng Tài cho rằng tinh thần của đoạn 11(a) là nhằm đảm bảo sự công bằng trong việc lựa chọn ngôn ngữ bằng cách xem xét đầy đủ đến mức độ thông hiểu của các bên đối với mỗi ngôn ngữ, chi phí phát sinh cũng như khả năng trì hoãn thủ tục tố tụng khi cần thiết phải có việc dịch thuật và các yếu tố khác liên quan (xem, ví dụ: vụ việc giữa Deutsche Messe AG và Kim Hyungho, WIPO Case No. D2003-0679.)

Trong vụ việc hiện tại, sau khi xem xét các tình tiết nêu trên của thủ tục tố tụng hành chính, bao gồm nhưng không giới hạn, quốc tịch của các bên, ngôn ngữ của Hợp Đồng Đăng Ký, Đơn Khởi Kiện, Phản Hồi, và cho mục đích để Bên Khiếu Nại và Bên Bị Khiếu Nại có thể thông hiểu dễ dàng phán quyết của Ban Trọng Tài mà không cần dịch thuật, và cho mục đích đảm bảo công bằng đối với các bên cũng như nghĩa vụ của Ban Trọng Tài theo đoạn 10(c) của Quy Tắc rằng “Ban Trọng Tài phải đảm bảo thủ tục tố tụng hành chính diễn ra nhanh chóng và đúng hạn”, Ban Trọng Tài tại đây quyết định rằng, tuân theo đoạn 11(a) của Quy Tắc, ngôn ngữ thủ tục tố tụng sẽ là tiếng Việt.

B. Trùng Hoặc Tương Tự Gây Nhầm Lẫn

Bên Khiếu Nại phải chứng minh hai yếu tố sau: (1) Bên Khiếu Nại có các quyền đối với nhãn hiệu, và nếu vậy; (2) Tên Miền Tranh Chấp trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Bên Khiếu Nại.

Thứ nhất, Bên Khiếu Nại đã chứng minh một cách rõ ràng rằng Bên Khiếu Nại có các quyền trong và đối với Các Nhãn Hiệu WACOM đã được đăng ký trong một thời gian dài trước khi Bên Bị Khiếu Nại đăng ký Tên Miền Tranh Chấp. Tại Việt Nam, nơi Bên Bị Khiếu Nại cư trú, Bên Khiếu Nại đã nộp đơn đăng ký và có quyền đối với Các Nhãn Hiệu WACOM kể từ năm 2007, rất lâu trước khi Bên Bị Khiếu Nại đăng ký Tên Miền Tranh Chấp. Ngoài ra, Bên Khiếu Nại cũng chứng minh được rằng Bên Khiếu Nại đã sử dụng Các Nhãn Hiệu WACOM trong một thời gian dài cho các hoạt động thương mại của mình, và cụ thể là cung cấp một lượng lớn các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến thiết bị đầu vào máy tính và máy tính bảng đồ họa, bao gồm, nhưng không giới hạn, bảng vẽ cảm ứng, bút máy tính bảng, bút vẽ cảm ứng stylus và các thiết bị ngoại vi cho mục đích sử dụng cá nhân và thương mại trên khắp thế giới.

Thứ hai, Ban Trọng Tài nhận thấy rằng Tên Miền Tranh Chấp chứa toàn bộ Các Nhãn Hiệu WACOM mang tính phân biệt mà hiện tại Bên Khiếu Nại đang nắm giữ độc quyền. Điểm khác nhau giữa Tên Miền Tranh Chấp và Các Nhãn Hiệu WACOM là phần hậu tố “vietnam” được thêm vào. Theo quan điểm của Ban Trọng Tài, hậu tố “vietnam”, được sử dụng rộng rãi để chỉ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, quốc gia nơi Bên Bị Khiếu Nại cư trú, có thể được xem là một tên địa lý.

Trong vụ việc này, Ban Trọng Tài cho rằng “wacom” là thành tố chính trong Tên Miền Tranh Chấp. Vì vậy, theo quan điểm của Ban Trọng Tài, việc thêm vào hậu tố nói trên không giúp phân biệt Tên Miền Tranh Chấp với Các Nhãn Hiệu WACOM và cũng không loại bỏ rủi ro về mức độ tương tự gây nhầm lẫn, điều này cũng tương tự như các nhận định tại các phán quyết UDRP trước đây (ví dụ như trong các vụ việc Playboy Enterprises International Inc. và Joao Melancia, WIPO Case No. D2006-1106; AT&T Corp. và WorldclassMedia.com, WIPO Case No. D2000-0553; Six Continents Hotels, Inc. và CredoNic.com / Domain For Sale, WIPO Case No. D2005-0755; Six Continents Hotels, Inc. và Midas Search Limited, WIPO Case No. D2004-0986; Six Continents Hotels, Inc., Inter-Continental Hotels Corporation và South East Asia Tours, WIPO Case No. D2004-0388).

Thứ ba, Ban Trọng Tài, tương tự như các Ban Trọng Tài UDRP khác, cho rằng việc thêm yếu tố “.com” chỉ tên miền quốc tế (gTLD) vào Tên Miền Tranh Chấp không giúp cấu thành một cụm từ không bị coi là tương tự gây nhầm lẫn theo quy định của Chính Sách (ví dụ như trong các vụ việc Volkswagen AG và Privacy Protection Services, WIPO Case No. D2012-2066; The Coca-Cola Company và David Jurkiewicz, WIPO Case No. DME2010-0008; Telecom Personal, S.A. và NAMEZERO.COM, Inc, WIPO Case No. D2001-0015; F. Hoffmann La Roche AG và Macalve e-dominios S.A., WIPO Case No. D2006-0451; Telstra Corporation Limited và Nuclear Marshmallows, WIPO Case No. D2000-0003).

Với các lập luận nói trên, Ban Trọng Tài quyết định rằng Tên Miền Tranh Chấp tương tự gây nhầm lẫn với Các Nhãn Hiệu WACOM của Bên Khiếu Nại, và tiêu chí thứ nhất nêu tại đoạn 4(a)(i) của Chính Sách đã được đáp ứng.

C. Quyền Và Lợi Ích Hợp Pháp

Đoạn 4(c) của Chính Sách quy định các trường hợp, cụ thể nhưng không giới hạn, theo đó nếu Ban Trọng Tài cho rằng nếu được chứng minh thành công, sẽ chứng tỏ quyền và lợi ích hợp pháp của Bên Bị Khiếu Nại đối với Tên Miền Tranh Chấp cho mục đich của đoạn 4(a)(ii) của Chính Sách. Cụ thể, Đoạn 4(c) của Chính Sách quy định:

“Khi bên bị khiếu nại nhận được một đơn khiếu nại, bên bị khiếu nại nên dẫn chiếu đến đoạn 5 của Quy Tắc để xác định cách thức chuẩn bị phản hồi của mình. Nếu bất kỳ trong số các trường hợp sau đây, cụ thể nhưng không giới hạn, được Ban Trọng Tài cho rằng đã được chứng minh dựa trên sự đánh giá của Ban Trọng Tài đối với các tất cả các bằng chứng được trình bày, sẽ chứng minh cho các quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị khiếu nại đối với tên miền theo các mục đích của đoạn 4(a)(ii):

(i) Trước khi nhận được thông báo có tranh chấp, bên bị khiếu nại đã sử dụng hoặc chứng minh được là chuẩn bị sử dụng tên miền hoặc tên tương ứng với tên miền, liên quan tới việc cung cấp hàng hóa hay dịch vụ một cách ngay tình; hoặc

(ii) Bên bị khiếu nại (với tư cách cá nhân, doanh nghiệp, hoặc tổ chức khác) được công chúng biết đến thông qua tên miền đó thậm chí kể cả khi bên bị khiếu nại chưa có các quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá hay nhãn hiệu dịch vụ; hoặc

(iii) Bên bị khiếu nại đang sử dụng tên miền hợp pháp phi thương mại hay đang sử dụng tên miền một cách đúng đắn, ngay thẳng, không có ý định trục lợi thương mại để đánh lạc hướng người tiêu dùng hay để làm giảm khả năng phân biệt của nhãn hiệu hàng hoá hay nhãn hiệu dịch vụ đang được đề cập tới. ”

Liên quan đến đoạn 4(c)(i) của Chính Sách, Ban Trọng Tài, dựa trên các tình tiết mà Bên Khiếu Nại đưa ra, cho rằng Bên Bị Khiếu Nại không nhận được nhận bất cứ giấy phép, sự cho phép hoặc ủy quyền dưới bất kỳ hình thức nào từ phía Bên Khiếu Nại để sử dụng các nhãn hiệu của Bên Khiếu Nại. Cũng không tồn tại bất cứ bằng chứng nào về việc Bên Bị Khiếu Nại nắm giữ bất kỳ quyền đã hoặc chưa được đăng ký đối với nhãn hiệu “WACOM” hoặc “WACOM VIETNAM” ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Ban Trọng Tài cho rằng trước và vào ngày Bên Bị Khiếu Nại nhận được thông báo có tranh chấp, Tên Miền Tranh Chấp trỏ tới một trang web bán các sản phẩm mang nhãn hiệu WACOM của Bên Khiếu Nại. Về vấn đề này, Ban Trọng Tài tiến hành việc khảo sát theo các tiêu chí được đưa ra trong vụ việc Oki Data Americas, Inc. và ASD, Inc., WIPO Case No. D2001-0903 (“Oki Data”), cụ thể như sau:

Thông thường, một thương nhận mua đi bán lại hoặc nhà phân phối có thể thực hiện việc chào hàng một cách ngay tình để bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ và như vậy họ có các quyền và lợi ích hợp pháp đối với tên miền nếu việc sử dụng của những người này đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định được mô tả trong phán quyết của vụ việc Oki Data:

- bên bị khiếu nại phải thực sự cung cấp các hàng hóa hoặc dịch vụ đang được đề cập tới;

- bên bị khiếu nại phải sử dụng trang web chỉ để bán các hàng hóa mang nhãn hiệu đăng ký đó (nếu không, có khả năng rằng bên bị khiếu nại đang sử dụng nhãn hiệu có trong tên miền nhằm mục đích thu hút người tiêu dùng và sau đó chuyển hướng họ đến các hàng hóa khác);

- trang web này phải nêu rõ ràng và chính xác mối quan hệ của bên bị khiếu nại với chủ sở hữu nhãn hiệu; và

- bên bị khiếu nại phải không cố gắng “nắm quyền kiểm soát thị trường” đối với tất cả các tên miền liên quan, ngăn cản chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu của họ trong tên miền.

Ban Trọng Tài, tương tự như các ban trọng tài UDRP khác, cho rằng các tiêu chí của vụ việc Oki Data vẫn thích hợp kể cả khi bên bị khiếu nại không phải là người bán hàng được ủy quyền (ví dụ như trong các vụ việc National Association for Stock Car Auto Racing, Inc. và Racing Connection / The Racin’ Connection, Inc., WIPO Case No. D2007-1524). Tuy nhiên, trong vụ việc này, Ban Trọng Tài cho rằng việc sử dụng Tên Miền Tranh Chấp đã không đáp ứng các tiêu chí Oki Data.

Ban Trọng Tài cho rằng trước ngày Bên Khiếu Nại gửi Thư cảnh báo đến Bên Bị Khiếu Nại, Bên Bị Khiếu Nại đã tuyên bố trên trang web mà Tên Miền Tranh Chấp dẫn tới rằng Bên Bị Khiếu Nại là “một trong những nhà cung cấp chuyên nghiệp của WACOM tại Việt Nam”. Theo quan điểm của Ban Trọng Tài, tuyên bố nêu trên không phản ánh một cách chính xác mối quan hệ thương mại của Bên Bị Khiếu Nại và Bên Khiếu Nại. Ban Trọng Tài lưu ý rằng trong đoạn 3, phần B.4 của Phản Hồi của Bên Bị Khiếu Nại, Bên Bị Khiếu Nại thừa nhận rằng Bên Bị Khiếu Nại không phải là một nhà phân phối được ủy quyền của Bên Khiếu Nại. Tuy nhiên, với câu chữ tại tuyên bố nêu trên, Ban Trọng Tài cho rằng, nó có thể gây nhầm lẫn khiến người tiêu dùng tin rằng có tồn tại sự liên quan hoặc mối quan hệ nào đó giữa Bên Khiếu Nại và Bên Bị Khiếu Nại, dù trên thực tế không tồn tại bất cứ mối quan hệ nào như vậy.

Về vấn đề này, Ban Trọng Tài lưu ý theo đoạn 2.3 của Bản Tổng Kết WIPO 2.0, điều kiện để thương nhân mua đi bán lại hoặc nhà phân phối được công nhận là cung cấp một cách ngay tình các hàng hóa và dịch vụ thường bao gồm: “chào bán thực sự đối với hàng hóa hoặc dịch vụ, việc sử dụng trang web chỉ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu đó, và trên trang web này phải nêu rõ ràng và chính xác mối quan hệ giữa người đăng ký tên miền với chủ sở hữu nhãn hiệu”. Tuy nhiên, trong vụ việc này, rõ ràng là tuyên bố nói trên của Bên Bị Khiếu Nại không “nêu rõ ràng và chính xác mối quan hệ giữa người đăng ký tên miền với chủ sở hữu nhãn hiệu”, trái lại, nó mang nội dung gây nhầm lẫn như đã trình bày ở trên. Vì thế, Ban Trọng Tài không nhận thấy sự ngay tình trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong vụ việc này.

Ngoài ra, trước ngày Bên Khiếu Nại gửi Thư cảnh báo đến Bên Bị Khiếu Nại, Các Nhãn Hiệu WACOM, logo và các hình ảnh được bảo hộ bản quyền của Bên Khiếu Nại cũng được sử dụng trên trang web mà Tên Miền Tranh Chấp trỏ tới và tại cửa hàng của Bên Bị Khiếu Nại ở địa chỉ số 206, đường Cách Mạng Tháng Tám, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam mà không được bất cứ sự cho phép hoặc ủy quyền nào của Bên Khiếu Nại. Những hành vi này, theo quan điểm của Ban Trọng Tài, có thể làm tăng khả năng gây nhầm lẫn cho người sử dụng Internet và khách hàng về nguồn gốc của các sản phẩm được chào bán, cũng như mối liên hệ/quan hệ kinh doanh giữa Bên Bị Khiếu Nại và Bên Khiếu Nại.

Vì những lý do này, Ban Trọng Tài cho rằng việc sử dụng Tên Miền Tranh Chấp của Bên Bị Khiếu Nại không thể được xem là chào bán hàng hóa hoặc dịch vụ một cách ngay tình theo các tiêu chí Oki Data.

Ngoài ra, Ban Trọng Tài cũng cho rằng Bên Bị Khiếu Nại đã không cung cấp đầy đủ các bằng chứng chứng minh cho việc Bên Bị Khiếu Nại đã được biết đến một cách rộng rãi bởi Tên Miền Tranh Chấp.

Thêm vào đó, rõ ràng bằng việc bán các sản phẩm đầu vào máy tính/điện tử và các sản phẩm liên quan thông qua trang web mà Tên Miền Tranh Chấp trỏ tới trước và vào ngày Bên Khiếu Nại gửi Thư cảnh báo đến Bên Bị Khiếu Nại, Bên Bị Khiếu Nại đã có hành vi sử dụng thương mại Tên Miền Tranh Chấp. Các tình tiết của vụ việc đã chứng minh rằng Bên Bị Khiếu Nại thực tế sử dụng Tên Miền Tranh Chấp nhằm có được các lợi ích thương mại. Những lập luận chứng minh và bằng chứng cũng góp phần cho thấy Bên Bị Khiếu Nại có các hiểu biết đầy đủ về Các Nhãn Hiệu WACOM của Bên Khiếu Nại và đã có chủ ý lợi dụng danh tiếng của Bên Khiếu Nại để có được các lợi ích trên.

Về vấn đề này, Ban Trọng Tài cũng cho rằng tất cả các lập luận trong mục A của Phản Hồi của Bên Bị Khiếu Nại là không có căn cứ, vì theo quan điểm của Ban Trọng Tài, (i) các tên miền là đối tượng điều chỉnh của pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ và pháp luật về cạnh tranh; ngoài ra, do là một tên miền quốc tế, Tên Miền Tranh Chấp cũng chịu sự điều chỉnh của Chính Sách và Quy Tắc trong vấn đề giải quyết các tranh chấp phát sinh, (ii) bằng việc Bên Bị Khiếu Nại đưa Các Nhãn Hiệu WACOM vào Tên Miền Tranh Chấp, và sử dụng trái phép Các Nhãn Hiệu WACOM tại cửa hàng của Bên Bị Khiếu Nại, cũng như đưa ra tuyên bố gây nhầm lẫn về quyền phân phối liên quan đến các sản phẩm WACOM, Bên Bị Khiếu Nại khó có thể phủ nhận chủ ý của Bên Bị Khiếu Nại trong việc gây ra các nhầm lẫn liên quan đến quan hệ thương mại với Bên Khiếu Nại, và (iii) lập luận của Bên Bị Khiếu Nại rằng Tên Miền Tranh Chấp được biết đến một cách rộng rãi là chưa thuyết phục vì Bên Bị Khiếu Nại chỉ đưa ra một tuyên bố mơ hồ, không dựa trên bất kỳ bằng chứng bổ trợ nào.

Do đó, Ban Trọng Tài bác bỏ tất cả các lập luận nêu trong mục A của Phản Hồi của Bên Bị Khiếu Nại và phán quyết rằng Bên Bị Khiếu Nại không có các quyền và lợi ích hợp pháp đối với Tên Miền Tranh Chấp, và tiêu chí thứ hai của đoạn 4(a)(ii) của Chính Sách đã được đáp ứng.

D. Đăng Ký Và Sử Dụng Không Trung Thực

Đoạn 4(b) của Chính Sách quy định, cụ thể nhưng không giới hạn, bốn trường hợp theo đó nếu Ban Trọng Tài cho rằng đã được chứng minh thành công, sẽ là bằng chứng của việc đăng ký và sử dụng tên miền không trung thực. Cụ thể, Đoạn 4(b) của Chính sách quy định:

“Cho các mục đích của Đoạn 4(a)(iii), các trường hợp sau, cụ thể nhưng không giới hạn, nếu Ban Trọng Tài cho rằng đã được chứng minh thành công, sẽ là bằng chứng của việc đăng ký và sử dụng tên miền không trung thực. Đoạn 4(b) của Chính sách quy định:

(i) Trường hợp chỉ ra rằng người bị khiếu nại đã đăng ký hoặc đã có được tên miền chỉ nhằm mục đích bán, cho thuê hoặc nếu không thì chuyển nhượng đăng ký tên miền cho người khiếu nại là chủ nhãn hiệu hàng hoá hay nhãn hiệu dịch vụ hoặc chuyển nhượng cho đối thủ cạnh tranh của người khiếu nại với số tiền lớn vượt quá chi phí trên giấy tờ mà người bị khiếu nại đã chi phí trực tiếp cho tên miền đó; hoặc

(ii) Bên bị khiếu nại đăng ký tên miền để ngăn cản chủ nhãn hiệu hàng hoá hay nhãn hiệu dịch vụ sử dụng nhãn hiệu đó trên tên miền tương ứng, với điều kiện bên bị khiếu nại đã từng thực hiện kiểu hành vi như vậy; hoặc

(iii) Bên bị khiếu nại đăng ký tên miền nhằm mục đích ngăn cản công việc kinh doanh của đối thủ cạnh tranh; hoặc

(iv) Bên bị khiếu nại sử dụng tên miền để cố tình lôi kéo sự chú ý của người sử dụng Internet vì mục đích thương mại vào trang web của mình hoặc vào địa chỉ trực tuyến khác, bằng cách gây ra khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của bên khiếu nại làm cho người sử dụng Internet nhầm lẫn về nguồn gốc, mối quan hệ tài trợ, sự liên hệ hoặc sự chấp thuận của bên khiếu nại đối với trang web hoặc địa điểm kinh doanh của bên bị khiếu nại, hoặc đối với một sản phẩm hoặc dịch vụ trên trang web hoặc địa điểm kinh doanh của bên bị khiếu nại.”

Một trong số bốn trường hợp trên trong đoạn 4(b) của Chính Sách, nếu được Ban Trọng Tài nhận định là có tồn tại, sẽ là một trường hợp cho việc “đăng ký và sử dụng không trung thực”.

Ban Trọng Tài cho rằng Bên Khiếu Nại đã cung cấp đầy đủ các bằng chứng chứng minh rằng Bên Bị Khiếu Nại đã đăng ký và sử dụng Tên Miền Tranh Chấp một cách không trung thực. Ở điểm này, Ban Trọng Tài bác bỏ lập luận của Bên Bị Khiếu Nại rằng Bên Bị Khiếu Nại đã không đăng ký Tên Miền Tranh Chấp với động cơ xấu vì không có ý định bán lại, cho thuê, hoặc chuyển nhượng lại Tên Miền Tranh Chấp cho bất kỳ bên thứ ba nào. Cần phải làm rõ rằng việc đăng ký và sử dụng không trung thực không chỉ bao gồm các trường hợp đăng ký tên miền cho mục đích bán lại, mà còn bao gồm cả trường hợp cố ý thu hút những người sử dụng Internet vào trang web để trục lợi thương mại, cũng như trong các hành vi lợi dụng uy tín của nhãn hiệu một cách không lành mạnh (free-riding) khác.

Đăng ký không trung thực

Ban Trọng Tài nhận thấy Các Tên Miền WACOM đã được đăng ký trên phạm vi toàn cầu và đạt được danh tiếng đáng kể. Các Nhãn Hiệu WACOM của Bên Khiếu Nại đã được sử dụng tại rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, quốc gia nơi Bên Bị Khiếu Nại cư trú, và tên địa lý “vietnam” đã được thêm vào trong Tên Miền Tranh Chấp.

Bên Khiếu Nại cũng sở hữu và vận hành các trang web với tên miền <wacom.com> mà theo đó Tên Miền Tranh Chấp trùng với tên miền <wacom.com> này ngoại trừ phần tên địa lý “vietnam” được thêm vào. Cả Các Nhãn Hiệu WACOM, được đăng ký lần đầu ở Việt Nam vào năm 2007, và tên miền <wacom.com>, được đăng ký vào năm 1994, đều khá lâu trước ngày Bên Bị Khiếu Nại đăng ký Tên Miền Tranh Chấp. WACOM, theo hiểu biết của một người bình thường, không mang tính mô tả và cũng không phải là tên thông dụng của bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào.

Những tình tiết trên cho thấy rằng Bên Bị Khiếu Nại đã không đăng ký Tên Miền Tranh Chấp một cách ngẫu nhiên. Bên Bị Khiếu Nại đã biết hoặc buộc phải biết Bên Khiếu Nại và Các Nhãn Hiệu WACOM và tên miền <wacom.com> trước khi đăng ký Tên Miền Tranh Chấp, và vì vậy, Ban Trọng Tài coi việc đăng ký tên miền của Bên Bị Khiếu Nại là một nỗ lực hòng lợi dụng danh tiếng của Bên Khiếu Nại.

Sử dụng không trung thực

Ban Trọng Tài cho rằng bên cạnh việc sử dụng thành phần nổi bật của nhãn hiệu WACOM trong Tên Miền Tranh Chấp, trước và vào ngày Bên Khiếu Nại gửi Thư cảnh báo cho Bên Bị Khiếu Nại, Bên Bị Khiếu Nại đã sử dụng tên miền WACOM và các logo của Bên Khiếu Nại trên trang web và tại cửa hàng ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam mà không được bất cứ sự chấp thuận hoặc uỷ quyền nào từ Bên Khiếu Nại, và Bên Bị Khiếu Nại đã đưa ra một tuyên bố gây nhầm lẫn về quan hệ thương mại với Bên Khiếu Nại trên trang web đó. Về điểm này, Ban Trọng Tài bác tất cả các lập luận của Bên Bị Khiếu Nại về việc Bên Bị Khiếu Nại không ý thức được các quyền sở hữu trí tuệ trong Các Nhãn Hiệu WACOM và các hình ảnh có bản quyền của Bên Khiếu Nại. Với tư cách là một bên mua đi bán lại các sản phẩm WACOM và với danh tiếng của Bên Khiếu Nại trong lĩnh vực liên quan, Bên Bị Khiếu Nại biết và buộc phải biết về quyền sở hữu của Bên Khiếu Nại đối với Các Nhãn Hiệu WACOM. Liên quan tới các hình ảnh có bản quyền mà Bên Bị Khiếu Nại cho là “được tìm kiếm và tải về từ google.com”, Ban Trọng Tài lưu ý rằng việc Google không thông báo về bản quyền đối với những hình ảnh này không miễn trừ trách nhiệm pháp lý của Bên Bị Khiếu Nại khi sử dụng các hình ảnh này nếu không được sự cho phép từ người nắm giữ bản quyền.

Do đó, dựa trên các tình tiết của vụ việc, Ban Trọng Tài cho rằng mặc dù Bên Bị Khiếu Nại lập luận là Bên Bị Khiếu Nại “hoàn toàn không có ý định gây ra bất cứ sự nhầm lẫn nào cho khách hàng cũng như làm điều gì có thể ảnh hưởng xấu đến thương hiệu Wacom”, Bên Bị Khiếu Nại đã có dụng ý sử dụng Tên Miền Tranh Chấp để làm người tiêu dùng nhầm lẫn khiến họ tin rằng trang web theo Tên Miền Tranh Chấp là có liên hệ, được chấp thuận hoặc theo đề xuất của Bên Khiếu Nại. Từ hành vi nói trên của Bên Bị Khiếu Nại, Ban Trọng Tài suy ra mục đích của Bên Bị Khiếu Nại trong việc sử dụng Tên Miền Tranh Chấp là nhằm lợi dụng tiếng tăm và danh tiếng của nhãn hiệu của Bên Khiếu Nại, và từ đó trục lợi không chính đáng. Hành vi đó là dấu hiệu cho sự không trung thực của Bên Bị Khiếu Nại theo quy định tại đoạn 4(b)(iv) của Chính Sách.

Ban Trọng Tài cũng bác bỏ dẫn chiếu của Bên Bị Khiếu Nại đến vụ việc của tên miền <buywacom.com> vì từng vụ việc sẽ được giải quyết dựa trên tình tiết và bản chất của chính vụ việc đó.

Xem xét tất cả các vấn đề trên, Ban Trọng Tài bác tất cả các lập luận nêu tại mục B của Phản Hồi của Bên Bị Khiếu Nại, và quyết định rằng Tên Miền Tranh Chấp đã được Bên Bị Khiếu Nại đăng ký và sử dụng một cách không trung thực theo đoạn 4(b)(iv) của Chính Sách, và tiêu chí thứ ba của đoạn 4(a)(iii) của Chính Sách đã được đáp ứng.

7. Quyết định

Vì những lý do nêu trên, tuân theo quy định của đoạn 4(i) của Chính Sách và đoạn 15 của Quy Tắc, Ban Trọng Tài quyết định rằng Tên Miền Tranh Chấp <wacomvietnam.com> được chuyển giao lại cho Bên Khiếu Nại.

Phạm Nghiêm Xuân Bắc
Trọng tài viên duy nhất
Ngày: 24/02/2016